Trên bao bì của các loại thực phẩm hiện nay, có rất nhiều cách để nhà sản xuất thông báo hạn sử dụng của một sản phẩm như "use by date", "best before", "expiry date", "EXP",... Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu hết về những ký hiệu này.
1. Use by date (Chỉ sử dụng đến ngày này)
(Ảnh minh họa)
Cụm từ "use by date" thường được in trên bao bì của các loại thực phẩm mau hỏng, có hạn ngắn như rau quả, salad, cá, pho mát mềm, sữa... Cụ thể, "use by date" chỉ ra thời hạn sử dụng an toàn của thực phẩm hơn là chất lượng của loại đồ ăn đó. Điều này có nghĩa là bạn không nên ăn hay uống các loại đồ ăn này sau ngày đã được ghi trên bao bì.
Nếu bạn cố gắng sử dụng thực phẩm đã quá ngày "use by date", bạn thậm chí có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Nếu không thể dùng đúng hạn mà không muốn vứt bỏ, bạn có thể đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thử xem việc cấp đông thực phẩm có thể kéo dài được thời hạn sử dụng hay không? Nhưng tốt nhất, bạn vẫn nên vứt bỏ sản phẩm sau khi đã qua mất ngày "use by date".
2. Best before / Best before date (sử dụng tốt nhất trước ngày...)
(Ảnh minh họa)
Cụm từ "best before" hay "best before date" thường được thấy trên các sản phẩm có thể bảo quản được lâu như đồ hộp,. đồ đông lạnh, thức ăn khô,.. Thực chất, cụm từ này nhằm ám chỉ đến chất lượng của thực phẩm hơn là độ an toàn của nó. Cụ thể, các thức ăn sẽ có chất lượng tốt nhất khi được dùng trước ngày ghi trên bao bì.
Thực phẩm được sử dụng sau ngày "best before date" thậm chí vẫn an toàn, nhưng lại không giữ được hương vị vốn có hoặc không còn mềm, mịn như trước. Tuy nhiên, với một số loại thực phẩm như trứng thì bạn không nên cố dùng quá ngày quy định, bởi một khi trứng đã không còn có chất lượng tốt nhất sẽ rất dễ gây ngộ độc.
3. Sell by / Sell by date / Display until (chỉ được bày bán đến ngày...)
(Ảnh minh họa)
Các cụm từ này được sinh ra với mục đích quản lý thời hạn bày bán của mặt hàng tại các cửa hàng, siêu thị. Thực tế, "sell by" hay "display until" không hẳn nghĩa là ngày hết hạn, bởi hầu hết đồ ăn vẫn sử dụng được sau ngày được ghi trên bao bì. Tương tự với "best before", sản phẩm sẽ không còn được chất lượng như trước nữa.
4. Expiry date / EXP (ngày hết hạn)
"Expiry date" hay cụm từ viết tắt của nó (EXP), thường được dùng cho những mặt hàng không phải là thực phẩm thường, mà là những sản phẩm như thực phẩm chức năng, kem đánh răng, bánh quy đóng hộp,...
(Ảnh minh họa)
"Expirty date" ám chỉ rằng ngày được ghi trên bao bì chính là ngày mà mặt hàng đó hầu như không còn chất dinh dưỡng hoặc đã hết công dụng (đối với thuốc). Thực tế, do hầu hết mặt hàng sau ngày "EXP" không có dấu hiệu hư hỏng nên người ta vẫn có thể dùng được.
Tuy nhiên, để đảm bảo cho sức khỏe, chúng ta được khuyến cáo không nên sử dụng bất kỳ mặt hàng nào đã qua tất cả các loại ngày hết hạn nói trên.
Nguồn: Dailymail, Consumer Affairs, Trí Thức Trẻ
Tổng hợp
Bình luận của bạn